Trước giờ mình đã viết blog nhiều lần về chủ đề chơi nhạc theo cảm âm (play by ear). Bài viết này mình sẽ đi từng bước để các bạn nắm được cách bắt đầu.
Đầu tiên, bạn phải bắt đầu thật chậm và chọn bài nhạc thật dễ. Nói là dễ thì nghe có vẻ chủ quan, vì một bài có thể dễ với người này nhưng khó với người khác. Để đơn giản hoá, mình sẽ chọn những bài kiểu nhạc chuông, hoặc nhạc thiếu nhi.
Lúc nghe nhạc, bạn thường có cảm giác “bắt tai”, tức là mặc dù hết bài nhạc đó rồi, nhưng bạn vẫn còn nghe tiếng nhạc văng vẳng đâu đây, kiểu hơi bị “ám ảnh” trong đầu. Việc chơi nhạc cảm âm cũng theo nguyên lí đó, tức là làm sao bê âm nhạc từ trong đầu bạn ra thành tiếng. Việc bạn cần làm là rèn luyện tai nghe. Những thứ để ở trong đầu thì hơi trừu tượng, nên để dễ hình dung được âm nhạc thì bạn bắt đầu Uhm hmm ra thành tiếng. Khi bạn Uhm hmm theo, mình có thể chia một bài nhạc thành hai phần:
- Phần giai điệu (melody): nói nôm na là phần lời nhạc
- Phần hoà âm (harmony): phần các nhạc cụ chơi kèm
Tiếng bass
Trong phần giai điệu, bạn hãy cố gắng nghe được tiếng bass. Tai chúng ta được lập trình để chú ý những âm thanh hoặc là to nhất, hoặc là phức tạp nhất. Các tiểu tiết khác của bài nhạc thì bạn có thể sẽ chưa nắm được ngay lúc đầu. Khi bạn chạy xe ngang qua một đám đông đang hát hoặc mở nhạc ầm ĩ, bạn càng tới gần nguồn âm thanh thì sẽ càng cảm nhận được mặt đất rung chuyển. Lúc đó, âm thanh nào tai bạn bắt sóng đầu tiên? Nhiều khả năng đó là tiếng bass, đó cũng là lí do tại sao bạn cảm nhận được sự rung chuyển.
Hợp âm và chùm hợp âm
Khi chơi nhạc theo cảm âm, mục đích của bạn là chơi bản nhạc đó càng gần với bản gốc càng tốt (Tất nhiên khi trình độ lện cao thì bạn có thể biến tấu, nhưng về cơ bản mục đích mình tạm cho là chơi giống bản gốc). Bạn càng nghe được nhiều chi tiết tới đâu thì trình độ của bạn càng cao tới đó. Lúc này, bạn cần để ý tới chord progression (chùm hợp âm). Hợp âm là một nhóm các nốt (ít nhất là 3 nốt) được vang lên cùng lúc. Chord progression là dòng chảy từ hợp âm này qua hợp âm khác.
Khi bạn nghe 2 bài hát, chơi ở cùng một giọng, bỏ hết lời nhạc đi, bạn sẽ có cảm giác 2 bài hát này nghe giống giống nhau. Để ý được điều này, bạn sẽ hiểu làm cách nào để có thể chơi nhạc mash up, tức là trộn nhiều bài nhạc lại với nhau. Ví dụ như trong cả 2 bản nhạc, bạn lấy piano làm bè chính, nhưng một bản thì phối thêm guitar, một bản thì phối thêm violin. Sau khi thêm thắt hoa lá cành vào, thêm luôn cả lời nhạc và beat vào, bạn sẽ ra 2 bản nhạc hoàn toàn khác nhau.
Khi bạn chú tâm được điều này, bạn học cách từ từ bắt chước nhiều nhất có thể các nhạc cụ khác trong bài nhạc đó. Piano là một nhạc cụ khá uyển chuyển, có quãng rộng nhất trong tất cả các nhạc cụ. Tuy nhiên, piano cũng chỉ có thể thêm thắt được một phần nào đó, chứ không thể hoàn toàn thay thế các nhạc cụ khác được. Lấy ví dụ như trống, bạn không thể chơi tiếng trống trên piano được (mình không tính piano điện). Tuy nhiên, bạn có thể chơi piano ở phần hoà âm sao cho giống với phần hoà âm mà bên tay trống chơi.
Hiệu ứng âm thanh
Không phải hiệu ứng nào piano cũng bắt chước được, và chưa chắc là piano nên bắt chước, vì piano có “màu” (timbre) riêng của nhạc cụ. Ví dụ như tiếng eo éo của guitar điện, thì piano không thể và cũng không nên bắt chước.
Nhịp điệu
Tập trung vào nhịp điệu của 2 phần: phần giai điệu và phần hoà âm. Nhịp điệu của phần giai điệu có thể là sẽ dễ bắt chước hơn. Nói cách khác, bạn chỉ cần chơi chính xác theo lời bài hát, theo đúng nhịp của bài gốc. Nhịp điệu của phần hoà âm thì khó bắt chước hơn nhiều, vì nghe nó không rõ rành rành như phần giai điệu. Một mẹo nhỏ là bạn giữ bè piano theo nhịp trống snare (ví dụ như nhịp 2/4 hoặc 4/4 thì tiếng snare sẽ rơi vào phách thứ 2 và phách thứ 4). Tiếng kick sẽ rơi vào phách 1 và 3. Tiếng snare thì khá tiêu chuẩn, chỉ có tiếng kick là sẽ thay đổi tuỳ theo bài nhạc.
Tempo và mood
Mình có từng giải thích kĩ về các loại tempo theo các thể loại nhạc khác nhau.
Tempo là tốc độ của bản nhạc, mood là tâm trạng của bản nhạc. Tempo thể hiện qua sự nhanh chậm, trong khi đó mood thường thể hiện qua giọng chính của bài nhạc (key), giọng trưởng (major) thể hiện sự tươi vui, giọng thứ (minor) thể hiện sự trầm lắng. Đây là đoạn bạn có thể thoả sức sáng tạo. Mỗi người chơi nhạc có một phong cách riêng, có người thích chơi giống màu của bài gốc, có người lại thích bi kịch hoá lên, có người lại chơi nhạc kiểu tỉ tê kể lể (kiểu này mình thường chơi, bạn có thể để ý là mình ít chơi dấu lặng trong những bản biến tấu của mình).
Kì sau, mình sẽ giải thích kĩ hơn về mặt kĩ thuật của hợp âm và chùm hợp âm, cũng như cách chia nhỏ bản nhạc ra để nghe và tập.