Chọn danh mục bài tập như thế nào?

Danh mục bài tập, tiếng Anh gọi là Music Repertoire, là danh sách những bài nhạc làm vốn để biểu diễn. Thường các bạn mới tập hay tập một bài vì thấy hay, hoặc theo sở thích (mà sở thích thì dễ thay đổi liên tục). Tuy nhiên, một vài tiêu chí dưới đây sẽ giúp bạn chọn bài tập hợp lí, lên trình độ nhanh hơn.

  1. Gu

Khỏi phải nói thì ai cũng dễ hiểu tầm quan trọng của tiêu chí này. Dù một bài nhạc có hay và kĩ thuật ra sao, nếu nó không hợp gu của bạn, bạn khó có đủ kiên nhẫn và hứng thú để tập tiếp.

Dù là người mới bắt đầu hoặc gần như người chơi chuyên nghiệp, chọn nhạc hợp gu là yếu tố  không thể bỏ qua.

Với piano, nếu thấy các bài etude và các bài chạy ngón ban đầu hơi nhạt nhẽo, bạn có thể nói giáo viên đổi bài, đổi sách. Ví dụ mình thích tập các bài nhạc réo rắt của Czerny hơn là Le Déliateur. Còn rất nhiều các bài nhạc có thể giúp bạn nâng cao trình độ cụ thể (giãn ngón, tốc độ, v.v), vừa có giai điệu vui tươi, sinh động.

Tuy nhiên, chọn bài bạn thích không thì vẫn chưa đủ.

  1. Trình độ

Nếu có 3 tháng để chuẩn bị, bạn sẽ cần chọn bài có độ phức tạp cao hơn là nếu bạn chỉ có 1 tháng nữa là tới ngày biểu diễn.

Nếu bị yếu một kĩ năng (diễn cảm, chạy ngón, tay trái giữ nhịp không đều, v.v), thì bạn nên chọn bài vừa sức, tránh để mất quá nhiều thời gian cải thiện điểm yếu mà mất đi hứng thú với cả bài tập. Ví dụ đã yếu tempo thì đừng chọn toàn những bài thuần túy nốt móc ba, móc tư để biểu diễn, hoặc nếu lực tay yếu thì đừng chọn những bài nhấn mạnh vào staccato (tức kĩ thuật nảy tay ở piano),v.v. Thay vào đó, hãy chọn những bài vừa phải, và tập trung nâng cao kĩ năng biểu diễn, xử lí với pedal, v.v để giúp tác phẩm được trọn vẹn.

  1. Mục đích

Tùy thuộc mục đích bạn biểu diễn để ‘làm màu’ trong trường lớp, để tham gia thử giọng, để tham gia cuộc thi nhạc, v.v mà lựa bài cho phù hợp.

————————–

Để tránh tình trạng thay đổi bài tập xoành xoạch (hôm nay nghe bài này hay quá nên “tập ngay kẻo lỡ”, ngày mai thấy bài khác hay lại đổi sang bài khác), hay “Mỗi ngày tôi chọn một bài vui, chọn tới chọn lui mất hết 1 ngày”, hoặc tập đi tập lại một bài quá lâu dẫn tới ngán ngẩm, bạn nên chuẩn bị sẵn tầm 3 bài trong Danh mục bài tập để thay phiên nhau “đổi gió”. Việc này cũng giống như khi đọc sách. Có bạn có thói quen đọc một cuốn sách hết từ đầu đến cuối rồi mới đọc sang cuốn khác. Còn nếu bạn giống mình, tức đọc cùng lúc nhiều cuốn, và tùy theo mức độ hứng thú mà đọc xong cuốn nào trước, thì có thể giải pháp trên là dành cho bạn. Lưu ý là tuy có vài bài để lựa chọn, bạn chỉ nên giới hạn trong một thể loại nhạc nhất định, tránh trường hợp hôm nay tập rock, ngày mai tập jazz, ngày mốt tập country, v.v, vừa rối loạn, vừa không hiệu quả. Để đảm bảo là trong khoảng thời gian nhất định bạn hoàn thành xong được một bài, bạn nên nhờ người hướng dẫn sắp xếp bài tập cho hợp lí.

Comments

comments

1 Comment

  1. […] Building your music repertoire:  (Article in Vietnamese, will get around to translate it when I have the time.) […]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *