Tới hôm nay thì mình cũng tạm xả hơi nghỉ lễ. Mình định viết bài này cũng lâu rồi nhưng còn đắn đo vì thấy cũng còn gà mờ quá :3. Một học kì trôi qua, một phần nào đó mình cũng làm được chút chút những gì định làm: Kiếm được spring internship ở một tổ chức về nghệ thuật với doanh nghiệp như mình mong muốn, và điểm tuyệt đối bên trường Arts (trường Arts thôi nhé :3), nên bây giờ mình cũng chia sẻ một chút về những gì học được.
Học Arts Management ở Mỹ là học gì?
Nhiều bạn cứ nghĩ đi học Arts thì sẽ học các môn vẽ vời, tranh ảnh, phim phỏng. Thật sự là Arts Management là một ngành rất khoa học và nặng về data. Arts organizations sử dụng rất nhiều data để thống kê, báo cáo, theo dõi lí lịch của các nhà hảo tâm qua các năm. Nếu bạn nào làm business development mà hay xài Salesforce, Podio, thì để theo dõi database của donor ở non-profit tương tự sẽ có Batchbook, Bloomerang, v.v. Đối với for-profit mình có clients thì đối với non-profit sẽ có donors. Trong các Arts Organization, các kĩ năng định lượng cũng rất quan trọng (Excel, thống kê) vì nó giúp tổ chức đó xác định được rằng họ có đang chi tiền marketing vào đúng nơi không, tỉ lệ nhà tài trợ là bao nhiêu, bao nhiêu nhà tài trợ hao hụt qua từng năm, bao nhiêu người đã từng donate nhưng vì một lí do nào đó (và đó là lí do gì?) mà họ không donate nữa, v.v. Nếu bạn làm ở mảng Development hoặc Fundraising thì Data management gần như là công việc hàng ngày. Ngoài ra, vì các tổ chức nghệ thuật phi lợi nhuận dựa phần lớn vào phần đóng góp từ các nhà tài trợ, vì vậy việc quản lí mối quan hệ là quyết định sống còn của tổ chức. Một lần nữa, việc quản lí này lại đòi hỏi các kĩ năng cứng cựa data: donors hiện đang có mấy công ty, công ty đó làm ăn như thế nào, con cái của họ đi học ở đâu (trường công hay trường tư? Trường đó đóng học phí bao nhiêu tiền một năm, v.v), nhà của họ mua ở khu nào và trị giá tài sản là bao nhiêu, v.v. Càng có nhiều data về donors, thì tổ chức đó càng dự đoán được xu hướng đóng góp của donor đó. Nếu bạn làm ở nhà hát thì Arts Management bao gồm cả việc định lượng giá vé, đánh giá hiệu suất sử dụng của nhà hát, kinh doanh nhà hát sao cho hiệu quả (Một số nhà hát ở Mỹ thì ngoài doanh thu từ bán vé ra, doanh thu cho thuê làm hội nghị, bán merchandise hoặc thậm chí cho thuê parking cũng đem lại kha khá), điều chỉnh mức phí của thẻ hội viên, v.v. Tóm lại, nếu bạn mơ mộng là sẽ được học vẽ vời hát ca nhảy múa thì nên chọn thêm minor là một ngành Performing Arts (hoặc Fine Arts), vì bản chất Arts Management là làm công tác hành chính, quản lí, marketing, xây dựng và phát triển tổ chức chứ không phải học để thành một nghệ sĩ biểu diễn. Arts Management cũng không hẳn là ngành học để làm bầu sô (tại sao thì để lúc nào khác mình sẽ giải thích thêm về sự khác nhau giữa Arts Management và Music Management).
Học Arts Management ra thì cuộc đời đi đâu về đâu?
Tuỳ theo mối quan tâm nghệ thuật của bạn mà có rất nhiều đích đến sau khi tốt nghiệp: bảo tàng, phòng đấu giá, nhà hát, gallery, studio, công ty biểu diễn múa, Broadway, liên hoan phim. Nếu bạn thường đóng vai connector, có khả năng kết nối nhiều bên liên quan, nơi phù hợp với bạn có thể là các tổ chức liên bang, hoặc các tổ chức kết nối nghệ thuật ở từng bang (vd ở VN thì mình biết có British Council có chương trình creative development), thì ở từng tiểu bang của Mỹ (thậm chí từng thành phố) cũng sẽ có những tổ chức tương tự. Nếu bạn quan tâm nhiều đến các vấn đề vĩ mô, giỏi lưu trữ, sắp xếp thông tin, bạn cũng có thể làm cho thư viện quốc hội Mỹ. Trường hợp bạn xuất sắc về tính toán và data thì có thể làm research analyst cho các tổ chức chuyên nghiên cứu về các tổ chức nghệ thuật, nếu bạn có đầu óc tài chính thì có thể làm mảng corporate sponsorship hoặc major gift donors của các tổ chức nghệ thuật. Ngoài ra, bạn có thể đi dạy hoặc làm nghiên cứu sinh. Những người dày dạn kinh nghiệm (như giáo viên của mình) có thể chọn ra làm consultant độc lập, chuyên tư vấn cho các gia đình đại gia hoặc giới siêu giàu về khoản đầu tư cho từ thiện (đại loại như bây giờ anh Mark Zuckerberg có một mớ tiền, ảnh suy nghĩ coi là nên đổ tiền vào đâu, nếu ảnh có quan tâm tới nghệ thuật thì ảnh nên đổ tiền vào tổ chức nào, quyên góp bao nhiêu, tỉ lệ quyên góp trọn đời dựa trên cổ phiếu là bao nhiêu, v.v). Công việc tư vấn này đương nhiên rất nặng về khả năng phân tích, thẩm định tài chính, thuế, kế toán, và chẳng có liên quan gì đến bản thân nghệ thuật như là vẽ vời, đàn ca hát xướng nhé. =.=. Kể ra để thấy sự đa dạng cơ hội nghề nghiệp, nhưng tất nhiên đối với người nước ngoài thì cũng có nhiều hạn chế nhất định.
Khó khăn của việc học/làm việc trong ngành Arts Management?
- Vấn đề văn hoá. Mình nghĩ đây cũng là khó khăn chung với bất kì ai học các ngành xã hội. Nếu ở Việt Nam mình có 54 dân tộc anh em, thì môi trường đa sắc tộc ở Mĩ (châu Á, Mĩ Phi, Mĩ Á, Mĩ Latinh, v.v) cũng là một thách thức lớn. Biển học vô biên, nhưng những vấn đề văn hoá thì không thể trong một thời gian ngắn mà nắm bắt được (chưa nói tới chuyện hiểu sâu nhé), vì vậy nếu bạn định đi học ngành Arts Management thì cũng nên chuẩn bị tinh thần. Mình từng ngồi trong một buổi thuyết trình về đa dạng văn hoá trong nghệ thuật, và bị ù tai toàn tập vì được truyền đạt về vấn đề quản lí quỹ cho các tổ chức nghệ thuật, nào là nghệ thuật đương đại, nghệ thuật của người Mĩ La Tinh, Mĩ Phi, v.v.
- Hiểu biết về loại hình nghệ thuật. Tuỳ theo background và mối quan tâm của bạn mà việc lựa chọn đầu ra cũng sẽ ảnh hưởng. Ví dụ bạn có background về visual arts, nhưng không muốn làm designer hoặc artists nữa nhưng muốn làm công việc quản lí liên quan đến visual arts thì có thể chọn các bảo tàng nghệ thuật, hoặc studio nghệ thuật sắp đặt để apply. Nếu bạn là nghệ sĩ múa ballet thì nên chọn các tổ chức nghệ thuật liên quan đến ballet, hoặc các festival về múa để apply. Mỗi loại hình nghệ thuật đều đòi hỏi vốn từ vựng khác nhau, bạn càng hiểu rõ chừng nào thì càng đỡ mất thời gian chừng ấy.
- Chi phí “giao lưu văn hoá”. Một số trường có chế độ khuyến khích bạn tham gia các hội thảo chuyên ngành nên sẽ tài trợ vé máy bay hoặc một phần chi phí tham dự. Tuy nhiên, để có được trải nghiệm sâu sát về ngành học, bạn cần phải dự trù kha khá chi phí đi nghe hoà nhạc, xem biểu diễn, thể nghiệm các loại hình nghệ thuật khác nhau. Các show mini kiểu giải trí cuối tuần thì tầm 30, 40$, nhưng để học hỏi được nhiều, bạn cũng cần đầu tư xem các show trình diễn lớn (thường giá vé tốt không dưới 120$).
Như vậy thì bạn sẽ ngồi chung lớp với ai?
Phần lớn là các nghệ sĩ đủ mọi lĩnh vực (điêu khắc, hội hoạ, múa, âm nhạc, v.v) có đầu óc quản lí, hoặc có khi là các bạn có background đại học về Art History. Có những người đã dày dặn kinh nghiệm trong cả quản lí và chuyên môn nghệ thuật của họ (artistic director của một trung tâm múa ballet, hoặc giám đốc nhà hát, v.v), vì vậy đừng ngạc nhiên nếu classmates của bạn vẽ tranh sơn dầu, hát, làm thơ, làm đồ mộc, mà vẫn sử dụng excel pivot table trong nháy mắt hoặc điền báo cáo thuế trong một vài tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, cũng có bạn là kĩ sư 6,7 năm trời, hoặc cũng có người như mình, chẳng có dính líu họ hàng gì với nghệ thuật nhưng chủ yếu là tiếng gọi của âm nhạc mãnh liệt quá nên mình phải đâm lao theo :3.
Viết đến đây cũng hi vọng các bạn có một cái nhìn bao quát về ngành học này. Nếu bạn nào có đam mê, khát khao nghệ thuật mà không muốn trở thành nghệ sĩ (hoặc tự nhận thấy mình hem đủ khả năng-nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá nhé), mà vẫn còn nhiều duyên nợ với nghệ thuật thì có thể xem xét con đường này. Nhớ mới hơn 4 tháng trước qua đây train cũng ko biết đường đi, app thì không cài được, vậy mà bây giờ mình thuộc hết tên đường ở khu Arts và Design District, thuộc luôn lối tắt lối ngầm, thuộc cả lối vào bãi giữ xe (dù là mình ko có đi xe :)) ), arts news thì nằm lòng, tour nào giá bao nhiêu mình cũng tự tin recommend cho người khác luôn =)), có tên các band hay biểu diễn ở khu Deep Ellum thì mình chịu, ko nhớ nổi tên vì nhiều quá.
Nói về nghệ thuật thì chắc mình viết hoài không hết, nên mình tạm ngừng tại đây. Ông bà ta nói càng học càng thấy mình ngu, khi nào bớt ngu chút thì mình lại viết tiếp vậy :v.
Chúc cả nhà nghỉ lễ vui vẻ!
P.S: Bạn nào có quan tâm về tin tức trong ngành âm nhạc (music technology, music teaching, digital music, các loại hình đầu tư trong âm nhạc, v.v.) thì ghé Twitter mình nhé: https://twitter.com/phuong_vu_3011.
Nếu bạn muốn trao đổi thêm về ngành học Arts Management, hoặc có học các ngành liên quan đến giải trí, media, arts nói chung, mình cũng rất vui được nghe chia sẻ của bạn :D. Email mình là: linhphuong3011@gmail.com, hoặc bạn có thể để lại comment phía dưới.
Lâu lâu mới chui vô phòng tập nhạc thu được một vài bài, mng nghe thử I will always love you – Whitney Houston:
[…] này bài viết về arts management mình có nhắc, mình muốn nói cụ thể hơn. Lúc tìm người học đàn để dạy, […]