Khán giả phát hiện được bao nhiêu lỗi sai khi bạn biểu diễn?

Có bạn nào lúc biểu diễn đàn, cũng tự hỏi: “Mình đánh vấp thì có ai phát hiện ra không?” Đánh sai mà khán giả phát hiện ra thì chắc là xấu hổ!
Bạn nào có thắc mắc vấn đề này, thì mình sẽ giải thích bằng một thử nghiệm khoa học nhé.
Một trong những trang yêu thích của mình về nhạc cổ điển là:  https://www.livingtheclassicallife.com/ Trang này tập hợp các bài phỏng vấn của của các nghệ sĩ nổi tiếng nhạc cổ điển (có một bài phỏng vấn Joshua Bell nếu bạn có quan tâm ), do Zsotl Bogná host. Nội dung các bài phỏng vấn hướng theo kiểu trải nghiệm cá nhân, chia sẻ về đam mê, nỗi sợ hãi, hoàn cảnh sống, các trở ngại của nghệ sĩ trước/trong và sau khi họ đã nổi tiếng.
Trong  bài phỏng vấn với Astrid Schween, nghệ sĩ cello thế giới hiện đang chơi trong dàn nhạc dây Juilliard và là giảng viên ở học viện Julliard, cô có chỉ ra 2 trạng thái khi chơi nhạc, một là practice mode (trạng thái luyện tập), thứ hai là performance mode (trạng thái biểu diễn). Những trở ngại khi chơi nhạc, nhất là với người lớn thì thường không phải là vấn đề âm nhạc mà vấn đề về tâm lí nhiều hơn. Lời khuyên của cô Astrid (phút 8:47) cho những bạn chơi nhạc bị vấp khi biểu diễn là Tập trung vào âm nhạc. Nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng thực chất tới lúc biểu diễn thì người chơi đã bỏ quá nhiều thời gian và công sức tập luyện, chăm chăm vào những điểm yếu của mình để có thể cải thiện. Trước lúc biểu diễn, bạn sẽ cần thời gian để chuyển đổi trạng thái từ Practice mode thành Performance mode, vì về cơ bản 2 trạng thái tâm lí đó hoàn toàn khác nhau. Khi biểu diễn, bạn cần tập trung vào cái hay, cái đẹp của bản nhạc, câu chuyện mà bản nhạc diễn tả, thay vì phản ứng cơ học kiểu đánh nốt này có đúng không, bấm phía kia có trật không.
Tuy nhiên, lúc lên biểu diễn, ai cũng sợ mình đánh sai, đánh lỗi, trật nhịp, bị khán giả cười chê. Vậy thực chất thì có bao nhiêu lỗi trong lúc mình đánh là khán giả “bắt bài” được?
Một nghiên cứu của Đại học Yale giải thích việc tại sao chúng ta khó nhận ra lỗi khi các nghệ sĩ piano biểu diễn. Các nghệ sĩ piano được yêu cầu “bắt bài” lẫn nhau trong một file midi gồm hơn 93,264 nốt nhạc. Các lỗi về cao độ gồm có: Chơi sai nốt, Chơi thiếu nốt, “Bịa” nốt trong khi trong bản nhạc không có nốt đó. Trong khi người nghe thường tập trung nghe nhạc dưới góc độ tri giác, trong khi đó người biểu diễn thì tập trung cả về mặt tri giác và mặt động lực học (vật lí).
Trong nghiên cứu này, 10 sinh viên Yale ngành piano được giao 1 giờ đồng hồ để học và thu âm bốn bản nhạc ngắn. Do thời gian có hạn nên chắc chắn các bản biểu diễn này không hoàn hảo ở nhiều mặt, tốc độ, âm thanh, sắc thái, v.v. Trong phạm trù bài này thì chúng ta chỉ tập trung vào 3 lỗi về nốt như đã nói ở trên.
Bốn bản nhạc mà các pianist chơi:
8 sinh viên khác học cùng ngành piano, và cũng quen thuộc với bản nhạc này, được yêu cầu nghe liền tù tì bản thu âm và được giao sheet nhạc gốc để dò. Họ được yêu cầu khoanh tròn những nốt sai, thiếu, hoặc bịa nốt mà họ nghe thấy. Trường hợp họ không rõ đó là lỗi gì thì có thể khoanh tròn một nhóm các nốt.
Sau thử nghiệm này, chúng ta có bảng thống kê lỗi như sau:
Lỗi
Tổng cộng
Phát hiện
%
Sai nốt
28
19
68
Bỏ nốt
198
81
41
“Chế” nốt
154
38
25
Tổng cộng
380
143
38
Kết quả là chỉ có 38% số lỗi là bị phát hiện. Người phát hiện được ít lỗi nhất là 25 lỗi (7%), trong khi đó người giỏi bắt bài nhất là 83 lỗi (22%).
Các bạn có thể vào link gốc để xem cụ thể về phương pháp thống kê.
Kết quả này cho thấy rằng lỗi trong lúc biểu diễn thật ra rất khó để phát hiện. Chỉ có một số rất ít các lỗi là tất cả “giám khảo” đều phát hiện ra, thường là lỗi các nốt trong giai điệu, hoặc nốt bass.
Xem xét trường hợp được nghiên cứu là các bạn tốt nghiệp khoa piano, trong một thời gian ngắn, có thể chưa tập luyện được quá kĩ càng, nên có thể các thông số trên đây sẽ rất khác nếu người được nghiên cứu là các concert pianist dày dạn kinh nghiệm hơn. Tuy nhiên, chúng ta có lí do để tin rằng tỉ lệ phát hiện ra lỗi sẽ không có sự thay đổi đáng kể, nếu không thì tỉ lệ đó có khi còn thấp hơn 38%, vì người biểu diễn càng dày dạn kinh nghiệm thì lỗi của họ càng tinh vi, khó phát hiện hơn.
Vì vậy, khi bạn vào phòng thu MIDI, lỗi của bạn có thể rõ ràng hơn một chút, giấy trắng mực đen vì bạn đánh như thế nào thì máy thu âm viết nốt lại như thế đó. Nhưng ở góc độ khán giả, nhiều yếu tố khác giải thích cho việc họ có phát hiện ra lỗi của bạn không, ví dụ như họ có hiểu biết âm nhạc không, có tập trung không, có sheet nhạc trước mặt để theo dõi không. Ngay cả khi bạn mắc lỗi đi nữa, thì ‘giám khảo’ có thể cho điểm lỗi nặng nhẹ khác nhau tuỳ vào nhận thức của họ. Nói chung, lỗi về cao độ cũng không khác gì với lỗi về tempo, diễn cảm, ngưng nghỉ.
Tóm lại, khi trình diễn, chúng ta thường quá chăm chú vào lỗi của mình, có khi thổi phồng nó lên, trong khi thật sự khán giả thì hoàn toàn không có khái niệm là bạn đang đánh sai ở đâu. Thay vì enjoy việc chơi nhạc, bạn lại đi ngồi tự “vạch lá tìm sâu”. Việc tự xoáy sâu vào việc tìm lỗi của bản thân mình khiến bạn sao nhãng khỏi việc chơi nhạc. Vả lại, khi trình độ càng lên cao rồi, thì lỗi của bạn càng khó phát hiện. À mà, mình không biết nếu thay đổi thử nghiệm này bằng là thể loại nhạc khác (nhạc hiện đại thay vì nhạc cổ điển) thì kết quả có khác đi không?  
Anyway, kết luận của mình là, bạn có đánh sai thì cũng cứ enjoy và tiếp tục chơi nhạc đi nhé, chẳng ai để ý đâu!!

Comments

comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *