Trong vòng 2 năm học ngành Arts Management, bao gồm 5 học kì, mình đã đi thực tập hết cả 4 kì. 4 tháng sau khi qua Mĩ mình đã đi thực tập off-campus lần đầu tiên. Hi vọng những chia sẻ của mình sẽ giúp các bạn chuẩn bị tinh thần khi tìm thực tập trong ngành.
Định hướng For Profit – Non Profit
Thường thì các bạn đi thực tập có mong muốn là lúc ra trường sẽ được tuyển luôn. Khác với các bạn thực tập ở Corporate, có thể tập trung vào Amazon, P&G, Pepsi, v.v để sau này thực tập xong thì có cơ hội được giữ lại. Tuy nhiên, ngành Arts Management lại rất khác ở cửa tuyển dụng, vì phần lớn Arts organization là non-profit, họ lại cũng ít có kinh nghiệm với bảo lãnh visa cho sinh viên quốc tế. Các công ty commercial khác thì cạnh tranh ngoài ngành rất gay gắt. Bạn có thể chia list research công ty để thực tập theo hai hướng:
- Local hay international?
Ngành arts có xu hướng địa phương hoá rất cao, nhất là khi bạn vào các tổ chức mà thương hiệu không phải là quá quen thuộc với người ngoại quốc. Lúc đó, bạn cần hiểu biết về thị trường địa phương. Nếu làm ở các tổ chức có tính international, bạn có thể có thế mạnh một chút về văn hoá châu Á, v.v
- Non profit hay for-profit?
Ngay từ đầu bạn nên xác định rõ ràng là mình muốn theo non-profit hay là for-profit. Mình thấy rằng một khi bạn làm ở non-profit rồi thì để đổi qua for-profit rất khó. Khó không có nghĩa là không thể, nhưng bạn nên có sự tập trung và chiến thuật đúng đắn. Quá trình tìm việc ở non-profit và for-profit mình trải qua thì rất khác nhau, và đều cực kì mất thời gian nếu bạn không biết hướng. Bạn nào có câu hỏi cụ thể thì để lại comment cho mình, vì đây là một chủ đề khá dài.
Chuẩn bị sớm
Giả sử bạn đi du học vào học kì mùa thu (khoảng tháng 8-9 năm 2019), thì không như các bạn thực tập ở big corporate, vừa vào học đã rục rịch chuẩn bị apply cho summer internship 2020, thường thực tập trong ngành arts thì họ sẽ chỉ bắt đầu tuyển từ tháng 3-2020, hoặc sớm lắm là từ tháng 1-2020 . Đối với non-profit arts (museum, orchestra, symphony, v.v) thường thời gian tuyển là như vậy, còn với commercial arts thì lại thuộc kiểu corporate internship, bạn phải kiểm tra lại deadline của từng công ty. Bạn có thể tranh thủ học kì đầu tiên để hoà nhập thật nhanh và chuẩn bị các kĩ năng cần thiết. Trong ngành Arts mình thấy mọi người rất đề cao niềm đam mê, vì vậy trước đó bạn cố gắng trải nghiệm thật nhiều hoạt động liên quan, thứ nhất là để làm quen với môi trường (biết xem mình thích làm mảng nào: visual arts? film? theater? v.v), thứ hai là để hiểu thị trường địa phương. Mình thấy các task trong ngành arts cũng không khác gì với task khi bạn đi làm ở corporate (đặt trường hợp là bạn không chuyển job function), điều khác biệt lớn nhất là về:
- Mối quan hệ công việc: so với private company thì các tổ chức non-profit có mối quan hệ với các bên liên quan (stakeholders) phức tạp hơn, ví dụ như mối quan hệ với Board of advisor, công đoàn, chính phủ, ngân hàng địa phương, v.v). Hiểu được non-profit vận hành như thế nào sẽ giúp bạn đưa ra các recommendation trong công việc được tốt hơn.
- Tình hình tài chính: các non-profit tồn tại được là do đóng góp của chính phủ/nhà nước/thành phố/nhà hảo tâm, v.v, chiếm từ khoảng ít nhất là 60% budget của non-profit. Bạn có thể vào trang Guide star để đọc Form 990 báo cáo về tình hình tài chính của non-profit.
Xác định chuyên ngành hẹp
Có rất nhiều loại hình tổ chức/công ty/đơn vị khác nhau cần đến arts management
- Arts & Humanity Council
- Consulting
- Dance company
- Film & TV
- Museum & Gallery
- Music – pop & classical
- Opera
- Artist representative organization
- Recording
- Arts & Cultural Services
- Theatre
- Festival, fashion, special services, theme park, cultural travel, etc.
Một cách khác nữa là bạn có thể suy nghĩ theo hướng interdisciplinary, bắt nguồn từ việc mối quan tâm ngoài arts của mình là gì, và kết nối nó lại. Ví dụ: bạn quan tâm tới vấn đề môi trường thì có thể làm cho các non-profit về nâng cao nhận thức về hệ sinh thái, hoặc làm cho các festival. Bạn quan tâm tới giáo dục thì có thể làm cho bộ phận admission của trường dạy arts, hoặc như mình quan tâm tới du lịch thì làm cho museum dạng điểm đến du lịch của thành phố. Một số trang về Arts mình hay đọc là:
- www.artsy.net
- www.hyperallergic.com
- https://www.artinamericamagazine.com/
- news.artnet.com
- https://artsandculture.google.com/
- https://www.arts.gov/infographic-nea-funding-the-arts: NEA là viết tắt của National Endownment for the Arts, đây là trang gốc giới thiệu các con số funding trong ngành nghệ thuật.
Ở một bài viết khác, mình sẽ giới thiệu cụ thể hơn về các nguồn đọc tin.
Networking
100% các internship mình có được là từ referral. Mình cảm thấy trong ngành Arts Management thì networking khá là dễ chịu, nếu bạn cũng thuộc kiểu thích trải nghiệm nhiều hoạt động. Tuỳ theo môi trường bạn ở, có thể bạn bè trong lớp sẽ không được cởi mở lắm. Ví dụ không phải ai cũng có thời gian giải thích cho bạn show này show kia nội dung như thế nào, vì bạn là người nước ngoài, nên có nhiều giá trị liên quan đến văn hoá bạn chưa hiểu hết. Việc tự đọc và học thêm là rất cần thiết, kiểu mưa dầm thấm lâu.
- Lên lịch các sự kiện/hoạt động cần đi và cam kết thực hiện. Việc đi nghe hoà nhạc, giao hưởng, xem gallery, v.v không phải chỉ là một loại hình giải trí nữa, mà là một cách để bạn trải nghiệm văn hoá và học hỏi. Lúc còn đi học, một tuần mình tham gia loại hoạt động này trung bình tầm 2-3 lần. Nhiều khi trong trường có rất nhiều bài vở, nhưng vì mình đã cam kết đi xem show, nên mình cố gắng hoàn thành sớm trước hạn để có thể đi. Đi nhiều như vậy nhưng không có cảm giác là phải chạy show, mà thật sự nếu bạn đã chọn ngành này thì mình đoán là bạn cũng thích tham gia. Khi đã đi làm rồi mình cũng đi tầm khoảng 3,4 hoạt động một tuần. Nó trở thành một kiểu lifestyle luôn rồi :D. Lại nói về khoản hầu bao, hầu bao sinh viên thì bạn tìm những sự kiện miễn phí, hoặc giá cả sinh viên, hoặc tốt hơn hết là làm quen với người tổ chức các sự kiện đó, Không ít lần mình được vé đi sự kiện này kia là do network. Thay vì tham gia sự kiện một mình thì bạn có thể rủ thêm người cùng ngành tham gia.
- Thường xuyên trao đổi với giảng viên. Nhiều giảng viên kì cựu trong trường cũng thường là diễn giả của các sự kiện nghệ thuật lớn. Kì thực tập mùa hè mình kiếm được là do cô trưởng khoa viết thư giới thiệu. Do ngành học của mình cũng thường có ít hơn 20 người, nên cô biết mặt từng người. Mình rất thích trao đổi với cô, nên thường tuần nào mình cũng lên gặp cô, lúc thì hỏi hướng giải quyết của một bài assignment nào đó, lúc thì hỏi cách sắp xếp thời gian, hỏi về chính sách nghệ thuật, v.v. Nên khi có cơ hội nào phù hợp thì cô refer cho mình. Việc bạn là sinh viên quốc tế đi học một chuyên ngành rất hẹp không có nghĩa là giảng viên phải quan tâm tới bạn, nên bạn phải chủ động thường xuyên liên hệ. Nếu bạn học giỏi thì giáo viên sẽ tự nhớ tên, nhưng mình thì không thuộc loại đó, so với các bạn Mĩ :p.
- Tìm cách để mang lại nhiều giá trị hơn cho người đối diện: Trong lúc học, cô trưởng khoa của mình có update rất nhiều projects cần người phụ. Không chỉ là project của cô mà còn các project cô làm với clients ở ngoài, hoặc của các arts organization mà cô quen. Lúc mình học xong lớp Market Research thì có được một theatre ở New York offer làm một project Marketing Research xài Qualtrics, tổng hợp khoảng 1,000 surveys, bao gồm cả recording và script, để xem khán giả của họ thích xem loại hình kịch nghệ nào (chính kịch/drama/hài kịch).
Mức lương
Tuỳ thuộc theo bạn làm ở commercial hay non-profit. Sự thật là về ngành giải trí nói chung và Arts Management nói riêng, thực tập không lương và lương thấp rất nhiều. Mình cũng may mắn là mùa hè mình nhận được thực tập trong Georgia O’Keeffe Museum dưới một dạng quỹ cá nhân của nhà hảo tâm, nên ngoài stipend ra, mình còn được cho thêm relocation allowance khoảng $5,000 khi mình dọn từ Texas qua New Mexico (allowance này khá hiếm trong ngành arts, nhưng nếu may mắn thì bạn vẫn sẽ tìm thấy), thành ra mùa hè mình sống cũng thoải mái. Một số nơi thực tập tên tuổi, như là Metropolitan Museum of Arts, Guggenheim Museum, National History Museum, v.v, phần lớn làm việc không công hoặc là kiểu đủ tiền ăn uống, đi lại, chưa tính tiền nhà. Tiền nhà thì có chỗ có subsidy, hoặc có hỗ trợ nhà, nhưng có chỗ thì hoàn toàn không có. Xác định tâm lí từ trước để tới đợt thực tập thì bạn không phải ngó nghiêng và chạnh lòng với các bạn học MBA đi làm corporate lương cao nữa. Một cách nữa để bạn có thể lo được nhà ở rẻ, đó là dựa vào network. Ví dụ có alumni nào đó từng làm ở đó rồi, có thể giới thiệu khu thuê nhà rẻ cho bạn, hoặc giới thiệu người quen cho bạn.
Quản lí thời gian
Mình học dual degree, nên một học kì mình học 9-10 lớp, chưa kể còn đi làm thực tập off-campus, thay vì học một degree thì chỉ học 5-6 lớp là rã rời rồi. Các bạn nên ưu tiên làm những gì đúng chuyên ngành, thay vì làm các job on-campus kiểu chấm thi, trả bài, làm tutor, v.v. Thật ra kiếm thêm được tiền và sắp xếp làm việc được thì đã là tốt rồi, nhưng cá nhân mình nghĩ các bạn đã đi xa đến như vậy, thì cũng ưu tiên làm mấy cái job nào khiến mình có professional network hoặc hiểu biết về văn hoá ở ngoài nhiều hơn. Về chuyện quản lí thời gian, có những bạn alumni chia sẻ một ngày chỉ ngủ 3-4 tiếng này kia, rồi những đánh đổi thế này nọ, mình thì hơi khác một chút. Mình thuộc thể loại ham vui, nên sống vui sống khoẻ rất quan trọng, nên vẫn ăn no ngủ kĩ 7-8 tiếng/ngày. Nên hiểu rõ bản thân, hiểu điểm mạnh điểm yếu và mục tiêu của bạn. Trung thực mà nói, mình không có năng khiếu học thuật, trước giờ đi học cũng không phải là đứa học điểm cao. Mình sẽ không bỏ thêm một ngày trời để viết một bản thesis mà mình nghĩ sẽ đưa điểm mình từ B+ lên A-. Thay vì cải thiện điểm yếu, mình tập trung phát triển điểm mạnh, đó là tạo mối quan hệ. Trước giờ chiến lược của mình không phải là Do The Thing Right, mà là Do The Right Thing. Về việc lựa chọn môn học, nếu đã biết thiên hướng và định hướng của bạn như thế nào rồi, thì sắp xếp học các môn cần thiết sớm nhất có thể, tốt nhất là trước khi bắt đầu thực tập, để tới lúc đó thì bạn đã có những kĩ năng cần thiết rồi. Lưu ý là có những lớp chỉ mở một lần trong năm, nên nếu bạn bỏ lỡ thì có thể phải chờ tới năm sau nữa mới được đi học, lúc đó thì không kịp có kinh nghiệm cho đợt thực tập.
——————
Những chủ đề sắp tới mình có thể viết, nếu có nhiều bạn comment: Job boards cho ngành arts, Chuẩn bị tìm internship cho Non profit vs For profit.