Vậy là sau vài (chục) năm nghỉ học đàn, bạn quyết định tập nhạc cụ trở lại. Câu hỏi khó nhằn đầu tiên luôn là “Bắt đầu từ đâu?”, kéo theo sau đó là nỗi thất vọng vì bao nhiêu kĩ năng ròng rã tích lũy giờ đây đã thui chột gần hết. Nỗi thất vọng này lớn dần tùy vào số năm bạn từng tập luyện trước khi nghỉ.
Cần làm gì để lấy lại phong độ?
Đầu tiên, câu trả lời tùy thuộc vào số năm bạn đã nghỉ tập và mức độ chuyên cần của bạn từ trước khi nghỉ. Tuy nhiên, sự thật là tập lại một kĩ năng sau nhiều năm không dùng tới cũng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và thời gian. Vì thế, bạn không nên đặt mục tiêu quá cao ngay từ đầu, dễ gây chán nản. Điều quan trọng nhất là:
Tránh hoài niệm “một thời vang bóng”
Mình từng dạy một người ngày xưa đã tập hết cuốn Méthode Rose, nhưng sau mười mấy năm, tập nhạc lại vẫn nhụt chí vì “Ngày xưa mình đánh được abc xyz, sao bây giờ có mỗi đọc bản nhạc cũng không xong”. Vì chút nuối tiếc mà mỗi khi tập, bạn rất khó tập trung, vì cảm giác mình không còn giỏi như mình đã từng. Tốt nhất là gác chuyện cũ sang một bên, chấp nhận trình độ hiện tại và tìm cách cải thiện nó :).
Chỉnh lại tư thế ngồi đàn
Đối với piano thì là tư thế ngồi đàn, còn đối với guitar có thể là thế bấm, cách quạt hợp âm ở tay phải. Nếu lúc trước bạn đến lớp học bài bản, có thể sau nhiều năm trở lại, bạn cũng không mắc phải lỗi tư thế. Tuy nhiên, các bạn học theo clip, hoặc kiểu bạn bè chỉ cho nhau, thì rất có thể sẽ phải sửa lại từ đầu mọi thói quen sai lầm.
Xác định lại trình độ của mình
Lúc trước mình có thói quen ghi âm lại những bài tập của mình, nhiều năm sau đó, khi nghe lại, mình vẫn rút được nhiều bài học mà trước đó không nghĩ tới. Lúc đó bạn có thể tự hỏi: “Sao hồi trước mình chơi hay quá ta!” =)), hoặc “Sao bây giờ mình chơi dở quá vậy!”. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là bạn không thể quản lí những thứ mà bạn không đo đếm được. Nếu bạn còn giữ những tài liệu cũ, hãy lấy ra xem lại để đánh giá được trình độ hiện thời của mình. Nếu bỗng dưng thấy sheet nhạc cũ trở nên hoàn toàn xa lạ, có thể bạn cần phải bắt đầu với trình độ thấp hơn, hay thậm chí là thấp hơn rất nhiều để dần làm quen lại, hoặc cũng có không ít trường hợp bắt đầu lại gần như mới toanh.
Ước chừng thời gian cần thiết
Phần này bạn có thể nhờ một người hướng dẫn giúp đánh giá. Đừng vội nản nếu thời gian cần thiết để bạn bắt nhịp lại là 3, 6 tháng, hay thậm chí nhiều hơn, nhất là với đàn piano. Hàng tuần bạn có thể kiểm tra lại mức độ tiến bộ của bản thân và từ đó điều chỉnh cho phù hợp với mục tiêu. Đặc biệt là nhiều bạn học đàn từ lúc còn rất nhỏ, vì vậy khả năng tiếp thu của bạn ngày trước so với bây giờ là một khoảng cách rất xa. Bạn phải chấp nhận thực tế này để có kì vọng phù hợp khi tập luyện.
Tập những bài tập khởi động
Sau khi đã đánh giá tổng thể trình độ của mình, bạn bắt đầu với những bài luyện ngón hoặc chạy gam theo mức độ khó mà bạn phù hợp, nếu bạn còn đọc được bản nhạc. Piano là một nhạc cụ khó khi trở lại tập luyện sau nhiều năm bỏ dở, vì nó đòi hỏi kết hợp nhuần nhuyễn giữa mắt và tay cùng với suy nghĩ. Một số động tác thư giãn cơ thể và ngón tay cũng cần thiết nếu bạn đã mất phản xạ với phím đàn từ lâu.
Thay đổi thể loại nhạc
Trong trí nhớ của bạn, nhiều năm trước, ngón tay bạn lả lướt thuần thục nào những Czerny, Bach, Chopin; thế nhưng thực tế hiện tại là việc đọc một bản nhạc cũng trở nên vô cùng khó khăn. Có thể đó là lúc bạn nên thay đổi thể loại nhạc. Sau một thời gian dài, bạn có thể không còn chuộng nhạc cổ điển nữa, mà thích những thể loại đương đại nhẹ nhàng, dễ nghe hơn. Ngoài Yiruma đã trở nên quá phổ biến, bạn có thể xem qua nhạc của Kitaro, Yanni hoặc Jim Brickman. Nếu bạn muốn tập lại một số bài nhạc không lời nhiều người biết, Richard Clayderman là một lựa chọn tạm ổn. Hoặc cũng có bạn chuyển hẳn sang chơi nhạc pop phổ thông, một số bài cover thịnh hành. Nếu bạn vẫn còn yêu thích nhạc cổ điển, hãy tập lại từ trình độ thấp hơn. Tuy nhiên, để ý rằng nhạc cổ điển sẽ khó gây hưng phấn, khó thấy sự tiến bộ nhanh so với một bản nhạc pop phổ thông cùng trình độ. Sau nhiều năm xa rời cây đàn, biết đâu bạn phát hiện ra rằng mình thích nghe nhạc cổ điển hơn là thật sự luyện tập nhạc cổ điển thì sao? :D
Thay đổi cách học
Nếu bạn đã từng học đàn bài bản, thời gian nghỉ tập khá lâu có thể xem như một cơ hội “làm mới” hoàn toàn cách học nhạc của bản thân. Vả lại, một số cách tiếp cận lúc học khi bạn còn nhỏ đã không còn phù hợp nữa. Nếu ngày trước chỉ tập theo sheet, thì bây giờ bạn có thể thử cách tập nhạc bằng tai nghe. Với những căn bản bạn đã có, thì thời gian nghỉ đủ lâu lại trở thành dịp để bạn học cách ứng tấu nhiều hơn. Trong âm nhạc, trừ nhạc lí là ngôn ngữ đồng nhất, còn lại thì “nhạc hay” và “nhạc dở” không tồn tại, chỉ có khái niệm tương đối về nhạc “phù hợp” hoặc “không phù hợp” thôi. Vì vậy, hãy chọn những bản nhạc bạn thật sự thích và học theo cách bạn thật sự muốn.
Tìm một “cổ động viên”
Có thể là bạn bè, người yêu, v.v…, bất cứ ai giúp bạn có thêm động lực để duy trì tập luyện.
——————————————
Trở lại tập nhạc sau nhiều năm bỏ ngỏ có thể là một thử thách không nhỏ. Tuy nhiên, nếu bắt đầu chậm rãi và điều chỉnh cách học hợp lí, thư giãn đầu óc, bạn hoàn toàn có thể lấy lại được phong độ, hoặc thậm chí tiến bộ nhiều hơn.