Kinh nghiệm chuyển nhà dành cho du học sinh

Sau bao lần bể dâu chuyển nhà, đột ngột có, thần tốc có, bi kịch có, mình muốn chia sẻ một số kinh nghiệm đồ đạc dành cho các bạn du học sinh. Tiêu chí hàng đầu của mình là gọn nhẹ, dễ di chuyển: What doesn’t fit a suitcase will go into waste.

1. Tinh giản đồ đạc

– Đồ nội thất :
+ Nếu dễ tính, ít thích mang vác (giống mình :D), các bạn có thể chọn mua các tủ nhựa thay vì tủ sắt hoặc tủ gỗ.
+ Bàn ghế: mua đơn giản, dễ tháo lắp, linh hoạt.
+ Tủ sách: bạn có thể xem xét có cần tới loại lớn không hay chỉ cần cỡ vừa và nhỏ, vì lúc đi học, thực chất sách vở chủ yếu xài bản digital (trừ khi bạn muốn đem theo sách nặng!), thành ra mình chủ yếu in tài liệu, hoặc mượn sách ở trường chứ cũng không cần nhiều diện tích cho sách vở. Sách vở tài liệu nào xài xong thì bạn có thể digitalize (scan lại các bản viết tay note của các bạn chẳng hạn). Nếu bạn hay mua sách online thì để ý rằng giá sách bìa cứng lúc nào cũng đắt hơn bìa giấy, vậy thì chả tội gì phải mua sách bìa cứng vừa nặng vừa cồng kềnh vừa đắt (trừ khi bạn thích sưu tập sách!).
+ Ghế ngồi tiếp khách: mình gợi ý mua loại đôn ghế, phía trong có chứa nhiều ghế nhỏ, có thể tháo ra làm bàn nho nhỏ khi cần.
+ Giường nằm: Tuỳ mỗi người, bạn xem xét có thích mua giường hay không. Kiểu ‘ăn bờ ngủ bụi’ như mình thì nệm hơi (air mattress) là đủ dùng, lại tiện mang vác. Bạn có thể chọn mua nệm cũ giá rẻ, sau đó thì mua mới drap giường. Một vật dụng nữa mình khuyên có là túi ngủ. Một số loại túi ngủ tầm gần 40$ mua ở Walmart rất ấm, rộng rãi, của Coleman, bạn có thể dùng làm ‘giường’ được. Loại túi ngủ này thì hơi nặng, tầm 3kgs, nếu bạn muốn mua đồ nhẹ hơn thì có thể lên Amazon. Loại hiện giờ mình đang dùng chịu lạnh được 0 độ C (mình đã thử chất lượng với 10 độ C lúc nhà cúp A/C) và chỉ nặng có 1.3kgs là của hãng Smart Speed. Ngân sách dư dả một chút thì bạn mua tầm 70$ là đủ tốt, còn để xài nếu đi trekking thường xuyên, kiểu hard core, thì mua hẳn 100$ túi ngủ.
– Chăn gối: Cá nhân mình thích loại fluffy, tuỳ bạn có thích sưu tầm đủ bộ không, nhưng như mình thì không quan tâm lắm nên chỉ cần đồ đạc cơ bản: 1 chăn mỏng, 1 chăn fluffy, 2 gối.
– Đèn học, đèn ngủ: Mua loại cây đứng tháo lắp được. Bạn có thể kết hợp 2 trong 1 bằng cách một bóng cao watt hơn thì làm đèn học, còn đèn nhỏ hơn phía dưới thì lắp đèn ít sáng hơn để làm đèn ngủ.
– Dụng cụ nhà bếp: 1 nồi slow cooker, 1 chảo đa chức năng, 1 nồi (ví như mình khỏi mua nồi luôn, xài 1 chảo sâu đáy cũng nấu canh được), 1 bộ thớt, 1 bộ dao (chủ yếu cần chef knife, còn các loại dao lưỡi cưa có khi rất ít xài đến. Phần này là kinh nghiệm cá nhân nhé, nên lại tuỳ theo mục đích sử dụng của bạn mà chọn mua), 1 bộ đồ khuấy (giá múc canh, spatula,v.v), 1 bộ muỗng nĩa, 1 bộ chén. Mình thì có tiêu chí quan trọng nhất là gọn nhẹ, nên chủ yếu dao chén mua đồ bọc nhựa thay vì inox. Li tách thì có thể kết hợp mua loại li/bình giữ nhiệt có thể đem vào trường được. Hộp đựng thức ăn có thể mua loại ngăn kéo, hoặc loại nhựa (bỏ được vào microwave).
– Giá treo túi, quần áo: Mua loại cây treo đồ tháp lắp được, hoặc hoặc các đồ móc chữ T (T rack) gắn dính vào cửa để tiết kiệm diện tích.
– Vật dụng linh tinh khác: Nếu có các túi vải du lịch (kiểu travel pouch) bạn có thể xài, hoặc nếu không thì có thể mua khay nhựa, khay giấy bìa cứng. Các loại bìa đựng tài liệu, nếu được nên mua loại cỡ to, làm bằng giấy, để dùng trong văn phòng, có 10-12 ngăn và có luôn cả chia bảng chữ cái. Sau này khi hoá đơn, giấy tờ chất đống lên thì mình vẫn dễ dàng tìm được thứ cần tìm.
– Vật dụng vệ sinh nhà cửa: Nước lau nhà mua loại đa dụng, vừa lau được mặt kính, mặt gỗ, mặt kim loại. Cây lau nhà cũng mua loại vừa lau, chùi, vừa hút bụi được.
– Quần áo, giày dép: Cái này tuỳ gu mỗi người, nhưng mình ưu tiên đồ layer, vải nhẹ, giặt nhanh khô, không nhăn. Áo lạnh mình cũng mua loại áo hơi của Uniqlo, có thể gấp lại bằng lòng bàn tay.

2. Mua/bán lại đồ đạc

Khi vừa vào nhà mới (hoặc sớm hơn nữa là trước khi chuyển vào nhà mới thì càng tốt), bạn có thể lên các group mua bán trên FB (thường các trường đại học sẽ có các group theo cụm trường, kiểu garage sale hoặc là give away). Bạn cũng có thể mua sỉ, hoặc nhặt rác về. Ngoài ra, bạn để ý thỉnh thoảng có một số cửa hàng sắp đóng cửa, dọn đi nơi khác, họ thanh lí đồ đạc có khi chỉ bằng 1/3 giá gốc, nhiều đồ rất đẹp và chất lượng tốt.

3. Cất giữ đồ đạc

Giữ lại các thùng các tông, bao bì (nhất là các bao đựng đồ điện tử, thường rất dai, nhẹ, sau này có thể tái sử dụng đựng quần áo khi đi du lịch), túi giấy, túi nilong, túi ziplock, v.v. Mình cũng thích giữ lại các túi vải mỏng khi shopping, hoặc các laundry bags khi đi khách sạn, vì các túi này tái sử dụng lại để packing quần áo hoặc giày rất gọn và sạch.

4. Tổ chức nhà cửa

Lúc qua đây mình có chơi thân với một nhóm bạn học trường kĩ sư, người Ấn Độ. Một lần đến chơi nhà thì mình hết sức bất ngờ vì tổ chức đâu ra đấy của bạn “trưởng nhà”, vốn là quản lí một nhà máy sản xuất. Nhà 2 phòng ngủ nhưng ở 5 anh trai. Lúc mình qua chơi thì các bạn mời ăn tối. Mọi việc hết sức gọn gàng: 1 người rửa rau, 1 người thái hành, người đun trà, người xếp bàn, người rửa chén. Mình qua thì thấy đồ đạc rất ít, nhưng chẳng ai thiếu thứ gì vì “trước khi qua, mọi người đã liên hệ với nhau hết rồi, người thì xem mặt bằng, người thì deal hợp đồng, người thì mua đồ, v.v nên tới lúc qua mọi người đều có đồ để xài ngay (!)”.
Một lần khác mình đi ăn với một bạn trong nhà, tạm gọi là G. Đang đi thì nhận được điện thoại của roommate bạn ấy hỏi “Tao join với được ko?”. G trả lời dứt khoát: “Không, hôm nay đến phiên mày nấu cơm mà”. Mình mới hỏi: “Ủa, sao hem cho nó join, đi ăn chung cho vui chứ có gì đâu mà không được”. G nói “Ko, nó mà đi ăn thì chỉ có tao với nó là vui thôi, còn 3 thằng còn lại đi làm về trễ sẽ không có cái để ăn. Hôm nay tới lượt nó nấu cơm thì nó phải nấu cơm, không được thì phải báo cho người khác, làm gì có chuyện tự dưng hứng lên đi ăn vậy. Phải vì lợi ích chung chứ mậy.” Mình mới vỡ lẽ ra ‘teamwork’ của nhóm Ấn Độ sâu sắc tới cỡ nào. Một việc khác nữa trong nhóm là cử 1 người đi học, sau đó về giảng lại cho nhóm, vậy là người đó vừa học lại được thêm 1 lần, mà những người khác lại không mất thời gian tới trường :3, thời gian đó người thì đi làm phòng lab, người thì làm research, người thì dọn nhà, v.v Rốt cuộc thì ai cũng đạt được ưu tiên của mình, mà điểm vẫn cao (!). Mục này thì phải gọi là mình bái sư phụ các bác Ấn Độ luôn!
Tất nhiên, đó là trường hợp bạn ở chung với người cùng quốc tịch, cùng tiếng nói, hợp tác với nhau, nhưng thực tế thì sẽ khó có chuyện đó. Vả lại, việc ở chung với người khác tiếng nói, văn hoá, v.v cũng khiến mình học được nhiều điều. Một lưu ý nữa là nếu bạn định ở chung với Mĩ để rèn tiếng Anh thì nên cân nhắc lại. Quan trọng của việc vốn liếng tiếng Anh có lên không tuỳ thuộc vào việc bạn có trao đổi, tâm sự này nọ với bạn cùng phòng không. Nếu không hợp tính nhau, bạn ít nói chuyện sâu sắc, chỉ là những việc cơ bản trong nhà thì cũng không ‘lên trình’ tiếng Anh quá mức như bạn tưởng. Nếu bạn chủ động sống độc lập, không phụ thuộc vào nhóm thì có thể xem lại mục 1 những thứ mình đã chuẩn bị.

Kết: Thực tế cuộc sống ‘du mục’ khiến mình phát hiện ra mình có thể sống rất đơn giản và thoải mái với ít đồ đạc. Sau khi đóng gói cho chuyến Business trip 10 ngày ở châu Âu (tổng cộng chỉ tầm hơn 14 kgs), packing còn rộng chỗ trong hành lí xách tay, thoạt nhìn còn gọn hơn lúc trước mình đi trip 5 ngày ở Hà Nội :)), mình mới nhận ra sự tiện lợi bất ngờ của việc sở hữu ít đi và có mục đích hơn. Túm lại là mang đồ gọn thì có những lợi ích nào thì ai cũng biết, nhưng tuỳ vào ‘vùng an toàn’ của mỗi người mà tự bạn test thử. Bạn có thể thử cách là mỗi lần đi trip thì mang theo ít lại một chút, xem xem mình thoải mái được nhất ở mức nào.

Kí sự du mục tạm kết tại đây. Lần đầu tiên mà có thể mở laptop ra viết bài một lèo như vậy trên máy bay, tới giờ này vẫn không có jet lag. Trăm hay không bằng tay quen, mỗi lần di chuyển mình lại học được thêm nhiều bài học về giới hạn bản thân (!).
London, UK, 11-May 2016.

Comments

comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *